11 phong cách kiến trúc biểu tượng của xã hội phương Tây

img-article

Trong suốt lịch sử, kiến trúc đã không ngừng xoay mình và phát triển với nhiều sáng tạo độc đáo và những công trình có giá trị. Nghiên cứu về kiến trúc cho thấy rằng mỗi phong cách đều liên kết chặt chẽ với bối cảnh lịch sử của thời đại và truyền cảm hứng nghệ thuật cho các thế hệ sau. Dưới đây là 11 phong cách kiến trúc tiêu biểu đã có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của các quốc gia phương Tây.

 

1. Kiến trúc Ai Cập cổ đại

Quần thể kim tự tháp Giza. El Giza, Ai Cập. Ảnh: WitR

Mốc thời gian: 3050 TCN – 900 TCN

Công trình tiêu biểu: Quần thể kim tự tháp Giza

Đền thờ Horus. Edfu, Ai Cập. Ảnh: Graficam Ahmes Saeed.

Đền Karnak. Luxor, Ai Cập. Ảnh: Zbigniew Guzowski

Ai Cập là một trong những nền văn minh hùng mạnh và mang tính biểu tượng nhất trong lịch sử. Khi nhắc đến Ai Cập, người ta thường nghĩ ngay đến những kim tự tháp, nhưng đó không phải là kiểu kiến trúc duy nhất mà người Ai Cập đã xây dựng. Trước khi kim tự tháp xuất hiện, người Ai Cập đã tập trung vào các khu phức hợp đền đài chi tiết, với sự chú trọng đặc biệt đến vẻ đẹp thẩm mỹ và chức năng.

Với sự kết hợp giữa kỹ thuật xây dựng đáng kinh ngạc và tính biểu tượng phong phú, kiến trúc Ai Cập sẽ tiếp tục là hình mẫu trong nhiều thế kỷ tới. Cả kiến trúc Hy Lạp và La Mã cổ đại đều chịu ảnh hưởng từ các đặc điểm của Ai Cập, chẳng hạn như các họa tiết cột cách điệu trong thời kỳ đầu của Hy Lạp và sự phát triển của các cột tháp (obelisk) trong kiến trúc La Mã.

2. Kiến trúc Hy Lạp và La Mã

Parthenon. Athens, Hy Lạp. Ảnh: anyaivanova

Mốc thời gian: 850 TCN – 476 sau CN

Công trình tiêu biểu: Parthenon

Pont du Gard. Vers-Pont-du-Gard, Pháp. Ảnh: kavram

Đền. Rome, Ý. Ảnh: Viroj Phetchkhum

Kiến trúc Hy Lạp và La Mã cổ đại là biểu tượng của kiến trúc cổ điển, xây dựng trên những quy tắc và khuôn mẫu nhất định. Các thức cột Hy Lạp như Doric, Ionic và Corinthian vẫn được sử dụng rộng rãi cho đến ngày nay. Bộ sách "Về Kiến trúc" của kiến trúc sư La Mã Vitruvius, với các nguyên tắc về tỷ lệ hài hòa, vẫn giữ nguyên giá trị qua thời gian. Những công trình như quần thể Acropolis ở Athens, Đấu trường La Mã và Điện Pantheon ở Rome là những biểu tượng lịch sử của kiến trúc Hy Lạp và La Mã.

Những nền văn minh này cũng nổi tiếng với kỹ thuật xây dựng tiên tiến. Người La Mã đã xây dựng các hệ thống đường bộ và cầu dẫn nước đáng kinh ngạc, giúp vận chuyển hàng hóa thương mại và cung cấp nguồn nước khắp quốc gia và toàn bộ châu Âu.

3. Kiến trúc Byzantine

Nhà thờ Hagia Sophia. Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Luciano Mortula

Mốc thời gian: 527 – 1453

Công trình tiêu biểu: Hagia Sophia

Lăng mộ Galla Placidia. Ravenna, Ý.

Tu viện Hosios Loukas. Distomo, Hy Lạp.

Kiến trúc Byzantine hình thành sau khi Hoàng đế Constantine chuyển thủ đô của Đế chế La Mã đến Constantinople (nay là Istanbul) vào năm 330 sau Công nguyên, và phát triển từ kiến trúc La Mã cổ đại. Các nhà thờ thường được xây dựng theo dạng chữ thập kiểu Hy Lạp và sử dụng gạch vữa để tạo ra các hoa văn hình học phức tạp nhằm mục đích trang trí. Các kiến trúc sư Byzantine có sự tự do hơn trong việc biến tấu các trật tự cổ điển so với thời Hy Lạp.

Mặc dù Byzantium có lịch sử lâu đời, nhưng hầu hết các kiến trúc mang tính biểu tượng của nó đều được xây dựng vào giai đoạn đế chế đang thịnh vượng nhất.

Các công trình ban đầu như lăng Galla Placidia nổi bật với lối trang trí khảm chi tiết, trở thành dấu ấn đặc trưng của phong cách này. Nhà thờ Hagia Sophia thể hiện năng lực kỹ thuật tuyệt vời của người Byzantine với hệ thống mái vòm phức tạp. Các tháp bổ sung của Ottoman sau này không phải là một phần của thiết kế ban đầu. Trên thực tế, Hagia Sophia từng là nhà thờ lớn nhất thế giới cho đến năm 1520.

Mặc dù đế chế Byzantium sau đó đã sụp đổ, nhưng kiến trúc Byzantine vẫn ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhiều nền văn hóa khác. Ví dụ, Nhà thờ Thánh Basil ở Moscow, được khởi công vào năm 1555, pha trộn giữa kiến trúc Byzantine và truyền thống Nga.

4. Kiến trúc Mesoamerican

Mốc thời gian: 2000 TCN – 1519 sau CN.

Công trình tiêu biểu: El Castillo (Đền Kukulcan)

Kiến trúc Mesoamerican, hay kiến trúc Tiền-Columbus, được xây dựng bởi các nền văn hóa bản địa ở khu vực Trung Mỹ, từ trung tâm Mexico đến phía bắc Costa Rica. Thời kỳ này đặc trưng bởi kiến trúc Maya và những kim tự tháp bậc thang vĩ đại. Quy hoạch đô thị chịu ảnh hưởng sâu sắc từ niềm tin tôn giáo và thần thoại, vì các nền văn hóa này coi kiến trúc là một hình thức tín ngưỡng hữu hình.

Kiến trúc Mesoamerican nổi bật với việc sử dụng các khối đá nặng và sức lao động khổng lồ để khắc phục những hạn chế về công nghệ. Mặc dù điều này giới hạn khả năng xây dựng những mái vòm lớn, họ đã thích nghi và phát minh ra các vòm nhỏ hơn. Kim tự tháp El Castillo tại thành phố Maya ở Chichen Itza là một minh chứng nổi bật cho kiến trúc Tiền-Columbus. Kiến trúc này sau đó đã ảnh hưởng đến Frank Lloyd Wright, người đã theo đuổi phong cách Phục hưng Maya trong những năm 1920 – 1930.

Khu khảo cổ Palenque. Chiapas, Mexico. 

5. Kiến trúc Gothic

Notre Dame. Paris, Pháp. 

Mốc thời gian: 1150 đến 1530

Công trình tiêu biểu: Notre Dame

Phong cách kiến trúc Gothic khởi nguồn từ Pháp và đã lan rộng khắp châu Âu, tồn tại hàng trăm năm. Phong cách này ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhiều nhà thờ nổi tiếng ở châu Âu, với các đặc trưng như vòm nhọn, trụ chống tỳ và vòm có gờ, tạo nên độ thẳng đứng đặc biệt cho các công trình kiến trúc Gothic. Việc tăng chiều cao và giảm trọng lượng của các bức tường cho phép ánh sáng tự nhiên tràn qua các ô cửa kính màu.

Nhà thờ Đức Bà ở Paris không phải là ví dụ đầu tiên về kiến trúc Gothic ở Pháp, nhưng chắc chắn là nổi tiếng nhất. Tại Ý, nhà thờ chính của Milan cho thấy cách mỗi nền văn hóa tiếp nhận và phát triển phong cách Gothic theo cách riêng của mình, với những đường nét rực rỡ và mặt tiền được trang trí công phu.

Nhà thờ Milan. Milan, Ý. 

Tu viện Westminster. Luân Đôn, Anh.

6. Kiến trúc Tân Cổ điển

Nhà Trắng của James Hoban. Washington DC.

Mốc thời gian: 1730 – 1925

Công trình tiêu biểu: Nhà Trắng

Phong cách này đánh dấu sự trở lại mạnh mẽ với tư duy của bậc thầy thời Phục hưng, Palladio, người chịu ảnh hưởng sâu sắc từ những ý tưởng kiến trúc La Mã về tỷ lệ và sự hoàn hảo. Sự đơn giản và tinh tế này là phản ứng đối với phong cách Baroque và Rococo trang trí công phu của thế kỷ trước. Phong trào bắt đầu ở Anh, nơi thuật ngữ kiến trúc Palladian được sử dụng để chỉ những lý tưởng kiến trúc thanh lịch và nhỏ gọn.

Phần lớn thủ đô Hoa Kỳ được xây dựng theo phong cách Tân Cổ điển, sau này gọi là phong cách Liên bang, bao gồm các công trình biểu tượng như Nhà Trắng và Đài tưởng niệm Lincoln.

Khải Hoàn Môn của Jean Chalgrin và Louis-Étienne Héricart de Thury. Paris, Pháp

Monticello của Thomas Jefferson. Charlottesville, Virginia.

7. Kiến trúc Art Nouveau

Hôtel Tassel. Brussels, Bỉ.

Mốc thời gian: 1890 – 1914

Công trình tiêu biểu: Hôtel Tassel

Art Nouveau là một phong trào bao trùm nhiều lĩnh vực như kiến trúc, nghệ thuật và nghệ thuật ứng dụng, đối lập với chủ nghĩa hình thức của trường phái Tân cổ điển. Phong cách này sử dụng những đường nét uốn lượn dựa trên tự nhiên, trong đó thiết kế nội thất và đồ đạc được coi trọng ngang với thẩm mỹ của tòa nhà. Những tiến bộ trong cuộc cách mạng công nghiệp đã cho phép sắt thép được trang trí công phu, thể hiện rõ qua hệ thống lan can uốn lượn và ban công của các tòa nhà Art Nouveau.

Phong trào này có nhiều tên gọi khác nhau ở từng quốc gia. Nếu thuật ngữ "Art Nouveau" phổ biến trong tiếng Pháp, thì nó được gọi là "Stile Liberty" trong tiếng Ý, "Jugendstil" ở Đức và "Secession" ở Vienna.

Tòa nhà Secession của Otto Wagner. Thủ đô Viên, nước Áo.

Ngôi nhà thành phố của Osvald Polívka và Antonín Balšánek. Prague, Cộng hòa Séc. 

8. Kiến trúc Hiện đại

Villa Savoye của Le Corbusier. Poissy, Pháp. 

Mốc thời gian: 1900 – 1960

Công trình tiêu biểu: Villa Savoye của Le Corbusier

Kiến trúc hiện đại là thuật ngữ chung cho nhiều phong cách nổi bật của thế kỷ 20 và phát triển mạnh mẽ sau thế chiến thứ 2. Những tiến bộ của kính, thép và bê tông cốt thép đã mở ra nhiều ý tưởng cho các KTS thời đó. Trên tất cả, chủ nghĩa hiện đại là sự từ chối Tân cổ điển với sự thúc đẩy hướng đến các xu hướng mới định hình xã hội sau đống đổ nát của Thế chiến 2.

Thời kỳ chủ nghĩa hiện đại cũng nở rộ với những bậc thầy như Walter Gropius, người sáng lập trường phái Bauhaus, Le Corbusier, Frank Lloyd Wright và Oscar Niemeyer. Nhóm KTS này đã có những ý tưởng tiến bộ trong quy hoạch đô thị, khu dân cư và kiến trúc thương mại tiếp diễn trong thời Hậu hiện đại. Phần lớn những gì chúng ta coi là chuẩn mực bây giờ, chẳng hạn như những tòa nhà chọc trời có khung thép hoặc những ngôi nhà kiểu nông trại đều được phát triển trong thời kỳ này.

Tòa nhà Bauhaus của Walter Gropius. Dessau, Đức. 

9. Kiến trúc Brutalism

Cité Radieuse, Marseille của Le Corbusier

Mốc thời gian: 1950 – 1960.

Công trình tiêu biểu: Tòa nhà Breuer

Brutalism (chủ nghĩa thô mộc, thô bạo) nổi lên vào những năm 1950 và phát triển từ phong trào chủ nghĩa hiện đại đầu thế kỷ 20. Thuật ngữ này lần đầu tiên được đưa ra bởi các kiến trúc sư người Anh, Alison và Peter Smithson, bắt nguồn từ "Béton brut" (bê tông thô), và sau đó được Le Corbusier thể hiện qua công trình Cite Radieuse ở Marseilles vào cuối những năm 1940.

Được đặc trưng bởi các đường thẳng, hình dạng khác thường, cửa sổ nhỏ và bề mặt chưa hoàn thiện, nhiều người cho rằng những khối bê tông này đã lỗi thời. Tuy nhiên, phong cách này vẫn được nhiều người tôn vinh và tồn tại cho đến ngày nay. Các tòa nhà hình học theo phong cách Brutalism thường được sử dụng làm văn phòng, trường học, bãi đỗ xe, trung tâm giải trí, mua sắm và các khu chung cư cao tầng. Trong khi hầu hết các công trình mang phong cách Brutalism được thấy nhiều ở châu Âu, phong trào này cũng lan rộng ra khắp Hoa Kỳ, Úc, Israel, Nhật Bản và Brazil.

Tòa nhà Breuer ở Thành phố New York là một trong những công trình mang đậm dấu ấn Brutalist, với cấu trúc bê tông nặng nề. Ban đầu, công trình này nhận không ít chỉ trích, nhưng ngày nay đã được chuyển đổi thành ngôi nhà của The Met Breuer, một bảo tàng nghệ thuật đương đại và hiện đại nổi tiếng.

Habitat 67, Montreal. 

10. Kiến trúc Hậu hiện đại

Bảo tàng Guggenheim của Frank Gehry. Bilbao, Tây Ban Nha. 

Mốc thời gian: 1960 – 1990

Công trình tiêu biểu: Guggenheim Bilbao

Thoát khỏi những thiết kế khắc khổ, cứng nhắc của chủ nghĩa hiện đại, hướng đến khám phá lại những lý tưởng cổ điển, kiến trúc hậu hiện đại phát triển mạnh mẽ trong những năm 1990 với sự gia tăng của các yếu tố trang trí.

Một trong những người đề xướng chính cho kiến trúc hậu hiện đại là Robert Venturi, nổi tiếng với công trình Vanna Venturi House, được xây dựng năm 1964 và được coi là công trình tiên phong của phong cách này. Bảo tàng Guggenheim của KTS người Canada Frank Gehry ở Bilbao được xem là đỉnh cao của phong cách này.

Tòa nhà Portland của Michael Graves. Portland, Oregon.

11. Kiến trúc Tân Vị lai

The Shard. London, Anh.

Mốc thời gian: 2007 đến nay

Công trình tiêu biểu: The Shard

Vào cuối thế kỷ 20, các kiến trúc sư bắt đầu tin vào sự cần thiết của hiện đại hóa bằng cách tích hợp công nghệ mới và sử dụng các vật liệu bền vững với môi trường. Họ cho rằng Tân Vị Lai (Neo Futurism) có thể cải thiện chất lượng cuộc sống cho cư dân thành phố.

Phong trào kiến trúc này được khởi xướng vào năm 2007 với Tuyên ngôn Thành phố Tương lai của nhà thiết kế Vito Di Bari. Ông đề cập đến “sự thụ phấn chéo của nghệ thuật, công nghệ tiên tiến và các giá trị đạo đức được kết hợp để tạo ra chất lượng cuộc sống cao hơn”. Zaha Hadid là nữ kiến trúc sư thể hiện rõ nhất phong cách này thông qua hàng loạt các thiết kế “đường cong” nổi bật. Các kiến trúc sư khác như Renzo Piano, người đã thiết kế lại tòa nhà chọc trời The Shard ở London, và Santiago Calatrava cũng đã đóng góp quan trọng vào phong trào này.

Jockey Club Innovation Tower được thiết kế bởi Zaha Hadid. 

Trụ sở Trung tâm Thương mại Thế giới của Santiago Calatrava. Thành phố New York, New York.

 

07-03-2024, 09:03 AM
Theo ""